https://kevesko.vn/20240522/vinfast-bi-kien-o-my-hang-xe-cua-ong-pham-nhat-vuong-noi-gi-29908365.html
https://kevesko.vn/20240522/vinfast-bi-kien-o-my-hang-xe-cua-ong-pham-nhat-vuong-noi-gi-29908365.html
Phó Tổng Giám đốc VinFast Hồ Ngọc Lâm đã lên tiếng về thông tin VinFast bị kiện nợ tiền thuê mặt bằng, vi phạm bằng sáng chế tại Mỹ.
Bà Hồ Ngọc Lâm khẳng định công ty luôn tuân thủ pháp luật và sẽ có phản ứng mạnh mẽ đáp trả, bao gồm hành động pháp lý nếu cần thiết. Bà cũng cho biết, VinFast đã quen với văn hóa kiện tụng tại Hoa Kỳ.
Mới đây, có thông tin cho biết VinFast đang gặp một số vấn đề pháp lý liên quan tới hoạt động tại thị trường Mỹ. Bà Hồ Ngọc Lâm, Trưởng ban Pháp chế
kiêm Phó Tổng Giám đốc VinFast mới đây đã lên tiếng về vụ việc.
Theo đó, bà Lâm khẳng định VinFast luôn tuân thủ mọi quy định của pháp luật và sẽ có phản ứng mạnh mẽ, bao gồm hành động pháp lý trong trường hợp cần thiết để bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp.
Năm 2023, việc hãng ô tô Việt Nam tiến vào thị trường Mỹ được xem là thành công lớn của công ty. Tuy nhiên, VinFast sau đó phải đối mặt với một số vụ khiếu kiện và điều tra của nhà chức trách Hoa Kỳ.
Trước đó, có thông tin cho rằng, một chủ cho thuê mặt bằng tại Stanford, bang California đã khiếu nại VinFast với lý do không trả tiền thuê gần 1 năm qua, từ ngày 1/5/2023 đến ngày 1/4/2024.
Chưa hết, Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (ITC) cũng mở cuộc điều tra từ đơn khiếu nại của ArcelorMittal, một công ty chuyên về thép, cáo buộc VinFast
Về những thông tin này, bà Hồ Ngọc Lâm khẳng định VinFast luôn tuân thủ mọi quy định của pháp luật.
Cụ thể, việc khiếu nại VinFast chưa trả tiền thuê mặt bằng là không đúng và một chiều. VinFast có đầy đủ cơ sở để chứng minh đã thanh toán đầy đủ tiền thuê cho đến hết tháng 3/2024.
Do VinFast đang đàm phán sửa đổi một số điều khoản trong hợp đồng với chủ sở hữu nên công ty mới chỉ tạm dừng thanh toán từ tháng 4/2024.
"Đội ngũ luật sư của chúng tôi đang nghiên cứu việc này và chúng tôi sẽ có các phản ứng mạnh mẽ, bao gồm cả các hành động pháp lý để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của chúng tôi", bà Lâm chia sẻ.
Về thông tin ITC điều tra khiếu nại của ArcelorMittal, bà Lâm xác nhận đúng là có thông tin trên. Tuy nhiên, đây thực chất là vấn đề nảy sinh giữa ArcelorMittal với nhà cung cấp của VinFast.
Theo bà Hồ Ngọc Lâm, VinFast mua cấu kiện sử dụng thép mạ nhôm từ một nhà cung cấp uy tín. Đây cũng chính là loại thép mà ArcelorMittal cho rằng họ đang nắm giữ bằng sáng chế.
"Tuy nhiên, nhà cung cấp của chúng tôi khẳng định không vi phạm sở hữu trí tuệ của bên thứ ba và cam kết bồi hoàn nếu VinFast bị thiệt hại do bị cáo buộc vi phạm sở hữu trí tuệ liên quan tới cấu kiện này", bà Lâm cho biết.
Tuy nhiên, VinFast vẫn cam kết sẽ hợp tác, cung cấp mọi thông tin một cách minh bạch cho cơ quan chức năng tại Mỹ trong trường hợp có đề nghị.
"Như tôi đã nói, quan điểm của VinFast là thượng tôn pháp luật và luôn coi đó là ưu tiên hàng đầu tại bất kỳ thị trường nào mà VinFast hoạt động", Trưởng ban Pháp chế Tập đoàn Vingroup nhấn mạnh.
Trước những lo ngại cho rằng, các khiếu nại pháp lý vừa qua có thể ảnh hưởng đến hoạt động của VinFast tại Mỹ, bà Hồ Ngọc Lâm nói công ty hoàn toàn không lo lắng về viễn cảnh này.
“Những vụ kiện tụng tại Mỹ là rất phổ biến để giải quyết các vấn đề bất đồng trong hoạt động kinh doanh. Chúng tôi hoạt động tại Mỹ nên cũng đã dần quen với văn hóa kiện tụng phổ biến tại đây, bao gồm cả khả năng khởi kiện chủ động nếu quyền lợi hợp pháp của VinFast bị xâm phạm”, bà Lâm cho hay.
Vị đại diện công ty một lần nữa khẳng định, dù trong trường hợp nào, VinFast cũng luôn tuân thủ mọi quy định của pháp luật, do đó không có gì phải lo ngại.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng cho biết, thời gian tới sẽ tài trợ, đầu tư thêm 1 tỷ USD cho VinFast, dự kiến đến năm 2026, VinFast sẽ hòa vốn và tiến tới có lãi.
Phiên Thảo luận tại kỳ họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 của Tập đoàn Vingroup diễn ra sáng nay (25/4) sôi nổi với nhiều câu hỏi về VinFast được các cổ đông đặt ra với Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng.
Trong tài liệu đại hội được công bố trước đó, Vingroup cho biết, năm 2023, VinFast đã trở thành biểu tượng truyền cảm hứng cho các doanh nghiệp Việt Nam khi chính thức rung chuông trên Sàn chứng khoán Nasdaq Stock LLC của Mỹ.
Năm 2023, VinFast đã phát triển thành công các dòng xe chính từ phân khúc cỡ nhỏ (mini car) đến A-B-C-D-E, giới thiệu mẫu xe ý tưởng dòng bán tải điện - VF Wild.
Về phát triển thị trường, VinFast đã bước đầu xây dựng các mạng lưới đại lý tại Bắc Mỹ, ký kết hợp tác với 10 nhà phân phối để mở rộng mạng lưới bán hàng và cung cấp dịch vụ hậu mãi. Đồng thời đẩy mạnh hiện diện với việc mở thêm showroom tại các thị trường đã có mặt như châu Âu, phát triển thêm 9 thị trường quốc tế, đặt mục tiêu hiện diện tối thiểu tại 50 thị trường trong năm 2024, ký thỏa thuận hợp tác đầu tư nhà máy sản xuất tại Ấn Độ, Indonesia.
Đến hết năm 2023, VinFast bàn giao tới người tiêu dùng gần 35.000 ô tô điện và hơn 72.000 xe máy điện, góp phần thúc đẩy mạnhh mẽ xu hướng chuyển đổi xanh.
Năm 2024, VinFast sẽ tiếp tục mở rộng kênh phân phối, tận dụng mạng lưới địa phương và kiến thức chuyên môn của các đại lý với mục tiêu đạt khoảng 400 điểm bán hàng trên toàn cầu vào cuối năm 2024. Cũng trong năm 2024, VinFast sẽ bàn giao mẫu mới tại thị trường Mỹ và xuất khẩu xe đến châu Âu, và bắt đầu phân phối tại Indonesia.
Nghi ngờ năng lực là không có cơ sở, sẽ tài trợ thêm 1 tỷ USD cho VinFast
Tại phiên Thảo luận, một cổ đông cho biết rất ủng hộ Vingroup, thường xuyên sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của Tập đoàn và cũng đang sử dụng xe VF9. Tuy nhiên, vị cổ đông này cũng chia sẻ những lo lắng khi VinFast vẫn đang kinh doanh lỗ, dẫn tới những nghi ngờ của thị trường về tính ổn định của dòng tiền trong Tập đoàn.
“Về tài trợ cho VinFast, Tập đoàn đã chuẩn bị nguồn lực đến đâu? Xây 3 nhà máy ở Indonesia, Ấn Độ, Mỹ đã thu xếp dòng tiền đến đâu?”, vị cổ đông này chất vấn.
Trả lời câu hỏi này, tỷ phú Phạm Nhật Vượng khẳng định, thị trường nghi ngờ năng lực của Vingroup là không có cơ sở. “Đấy là tin đồn, có nhiều dụ ý khác nhau khi họ tung ra. Đến giờ này, chúng tôi chưa bao giờ chậm ngân hàng một đồng lãi nào, chưa nói đến là gốc. Tất cả kế hoạch đưa ra đều được cân đối, thực hiện rất nghiêm túc”, ông Vượng khẳng định.
Thừa nhận thị trường chung vô cùng khó khăn, nhưng ông Vượng cho rằng, khó khăn nhất đã qua rồi và đến giai đoạn thị trường phục hồi trở lại.
Ông Vượng dẫn chứng, trong tháng 3 và 4, Vinhomes đã bán lượng hàng khổng lồ so với cả năm 2023; VinFast lần đầu tiên đã trở thành thương hiệu có doanh số lớn nhất ở Việt Nam, so với tất cả các hãng. “Việc chúng ta tiến lên là chắc chắn, kiên định. Những nghi ngờ đó là không có cơ sở”, tỷ phú Phạm Nhật Vượng nói.
Ông Vượng nhắc lại, “Từ lâu tôi đã nói, chúng ta làm VinFast là vì trách nhiệm xã hội, muốn đóng góp cho đất nước một thương hiệu thực sự đẳng cấp quốc tế, không chỉ sản xuất và bán được xe, mà VinFast muốn bước vào tốp đầu về xe trên thế giới”.
Để đảm bảo dòng tiền, Vingroup dồn hết mọi nguồn lực. “Không có chuyện buông bỏ VinFast. Đây không phải là câu chuyện kinh doanh nữa, đây là câu chuyện về đẳng cấp, trách nhiệm của chúng ta”, ông Vượng nói.
Ông Vượng cho biết: “Sau khi đã tài trợ cho VinFast 1 tỷ USD, tới đây tôi sẽ thu xếp tài sản để tài trợ thêm tối thiểu 1 tỷ USD nữa”.
Đối với việc xây 3 nhà máy, ông Vượng cho biết, việc đầu tư này sẽ được nhận những “ưu đãi khủng khiếp”.
Với dự án tại Mỹ, VinFast sẽ đầu tư hơn 2 tỷ USD trong 5 năm nhưng cũng nhận được hơn 2 tỷ USD hỗ trợ, bao gồm cả các chính sách về thuế, là cơ sở đòn bẩy để tiến vào thị trường Mỹ. Nếu có nhà máy, doanh số ở Mỹ sẽ được cải thiện.
Đặc biệt, tiền đầu tư vào các nhà máy này không đến từ VinFast, Vingroup mà từ huy động, bởi cả 3 nước VinFast mở nhà máy đều có chính sách hỗ trợ mạnh mẽ cho chuyển đổi xanh.
“Một lần nữa tôi khẳng định, nghi ngờ lo ngại là không đúng. Tôi kêu gọi các cổ đông và người Việt Nam chung tay xây dựng, phát triển thương hiệu Việt đẳng cấp, top đầu thế giới, mang lại niềm tự hào cho người dân Việt Nam, là nền tảng phát triển các ngành công nghiệp khác”, ông Vượng nói và dẫn chứng, VinFast hiện đã nội địa hóa gần 80% nếu tính theo cụm linh kiện và 50% nếu tính theo chi tiết linh kiện.
Xe điện là xu thế bền vững, không thể đảo ngược
Ông Vượng cũng khẳng định điều trên, khi trả lời một cổ đông khác.
Về tính hiệu quả, theo ông Vượng, chi phí pin đã rẻ đi, VinFast còn có chính sách cho thuê pin, cạnh tranh trực tiếp với xe xăng.
Xe điện của VinFast rẻ hơn xe xăng cùng loại, khỏe hơn, thông minh hơn, an toàn hơn. Chi phí năng lượng (thuê pin, sạc điện) trên km có những loại rẻ hơn 40-50% so với xe xăng. Chi phí bảo hành, sửa chữa cũng thấp hơn rất nhiều.
Về giá trị môi trường, theo ông Vượng, GSM chạy một năm, có mười mấy nghìn xe, tương đương lượng oxi thoát ra của 2 triệu cây xanh.
“Mọi người chưa hình dung nó liên quan trực tiếp bản thân mình, nhưng nếu tìm hiểu kỹ sẽ thấy liên quan đến mình. Giờ dị ứng nhiều hơn, bệnh hô hấp nhiều hơn, ung thư nhiều hơn, chi phí y tế tăng lên, là do vấn đề môi trường. Nếu không làm cái đó, sau này chúng ta, con cháu chúng ta không có cuộc sống khỏe mạnh, không có kinh tế tốt vì dành nhiều tiền cho việc chữa bệnh”, ông Vượng nói.
"VinFast đang mạnh lên mỗi ngày, mỗi ngày chúng tôi đều có những sáng kiến để xe tốt hơn, rẻ hơn, giảm các chi phí sản xuất, kinh doanh, tiếp thị. GSM mang đến cho mọi người một lượng lớn khách hàng trải nghiệm, thúc đẩy mọi người mua xe điện. Tương lai của Vingroup là VinFast. Chúng ta đi đúng hướng và đang nỗ lực để đạt kết quả tốt”, ông Vượng khẳng định.
Việc phát triển xe của VinFast cơ bản đã hoàn thành, các phần chi phí lớn nhất đã chi, đã có đầy đủ dải xe từ A đến E, giờ sẽ tập trung khai thác. Sắp tới khi VinFast nhận đơn đặt hàng VF3 sẽ là câu chuyện rất hấp dẫn trên thị trường.
Dự kiến đến năm 2026, EBITDA của VinFast sẽ hòa, có dòng tiền dương. “Một số thị trường hiện đã có lãi, trên nền ‘3 không’ là không khấu hao, không lợi nhuận, không chi phí tài chính để năng lực cạnh tranh của chúng ta mạnh mẽ hơn. Dần dần chúng ta có thể từng bước tính cả chi phí khấu hao, chi phí tài chính vào xe và tiến đến có lãi”, ông Vượng khẳng định.
Trả lời câu hỏi của cổ đông về tiềm năng từ việc bán tín chỉ carbon, ông Vượng cho biết, đã thành lập tổ công tác để nghiên cứu, tìm đối tác để thúc đẩy mạnh mẽ việc bán tín chỉ carbon không chỉ ở Việt Nam mà cả các nước khác.